Trình bày sự giống, khác nhau và mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết thông qua các đặc điểm như: lực lượng sáng tác, cách thức lưu truyền, hình thức tồn tại, vai trò, vị trí và những ảnh hưởng lẫn nhau của 2 dòng văn học này.

Bạn đang xem: Lực lượng sáng tác văn học dân gian


Trong dòng chảy miên viễn của nền văn học Việt Nam, chúng ta thấy rằng đó là sự tích hợp giữa hai dòng văn học: văn học dân gian và văn học viết. Phân biệt được hai dòng văn học này là vấn đề cơ bản của lịch sử văn học dân tộc. Bởi lẽ, nó không chỉ có hai phương thức sáng tác khác nhau, truyền miệng và thành văn, mà còn liên quan đến hai loại hình thức tác giả có vị trí xã hội, hoàn cảnh sinh sống, quan niệm nhân sinh, tư tưởng tình cảm, kể cả hoàn cảnh sáng tác, tâm thế sáng tác, động cơ sáng tác cũng khác nhau.

Sự giống nhau giữa văn học nhân gian và văn học viết

Giữa văn học dân gian và văn học viết chúng ta thấy có một số điểm giống nhau như:

Cả hai đều là sản phẩm của lao động trí óc, là sáng tạo của con người Đều phản ánh bộ mặt xã hội, thể hiện tâm tư, tình cảm của tác giả Chúng cùng sử dụng ngôn từ như phương tiện quan trọng nhất để sáng tạo hình tượng nghệ thuật, cùng thể hiện tư tưởng, quan niệm, thái độ, tình cảm của tác giả qua những hình tượng nghệ thuật đó. Chúng cùng tác động đến thực tiễn, có tác dụng cải biến thực tiễn

Sự khác nhau giữa văn học dân gian và văn học viết

Sự khác nhau được thể hiện thông qua các đặc trưng của văn học viết và văn học nhân gian như lực lượng sáng tác, cách thức lưu truyền, hình thức tồn tại, vai trò, vị trí, nội dung phản ánh, lịch sử hình thành và phát triển,...

+ Lực lượng sáng tác

Là sáng tác tập thể, không có tác giả cụ thể Là sáng tác của một hoặc một nhóm mang dấu ấn riêng

+ Cách thức lưu truyền

Truyền miệng từ đời này sang đời khác Được lưu truyền dưới dạng chữ viết

+ Hình thức tồn tại

Gắn liền với các hoạt động lao động sản xuất hàng ngày, trong đời sống xã hội Là một tác phẩm cố định dưới dạng chữ viết, mang tính độc lập của một cá nhân hoặc một nhóm

+ Vai trò, vị trí

Là nền tảng của văn học nước nhà Là sự tiếp thu những cái mới, đồng thời kết hợp với cái hay, cái đẹp của văn học dân gian

+ Nội dung phản ánh

Do đặc trưng của văn học dân gian về lực lượng sáng tác, phương thức sáng tác nên nội dung của nó hướng đến đời sống dân dã. Đó là những vấn đề thiết thân, quen thuộc hằng ngày với nhân dân lao động, chẳng hạn qua thể loại ca dao - dân ca ta bắt gặp các chủ đề hết sức bình dị. Thể hiện tâm tư, tình cảm, ước mơ mang nét riêng của tác giả

+ Lịch sử hình thành và phát triển

Văn học dân gian: Ra đời từ khi con người bắt đầu có tiếng nói, nhận thức Văn học viết: Ra đời vào thế kỉ 10, chia làm 2 giai đoạn là văn học trung đại và văn học hiện đại

+ Cách phản ứng hiện thực:

Dùng lời ăn tiếng nói hàng ngày, dùng hình ảnh biểu tượng để phản ánh hiện thực.... Dùng ngôn từ, các biện pháp nghệ thuật....

Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết

Văn học dân gian là nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học dân tộc. Khi chưa có chữ viết, nền văn học dân tộc chỉ có văn học dân gian; khi có chữ viết nền văn học nầy bao gồm hai bộ phận: văn học dân gian và văn học viết

Văn học viết chịu ảnh hưởng văn học dân gian về nhiều phương diện, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật.

Ví dụ: Truyền thuyết Thánh Gióng đã mở đầu cho dòng văn học yêu nước, chống xâm lược trong nền văn học dân tộc. Thể thơ lục bát, thể thơ được thi hào Nguyễn Du sử dụng một cách tài tình, bắt nguồn từ bộ phận văn vần dân gian...

Văn học viết cũng có ảnh hưởng trở lại đối với văn học dân gian trên một số phương diện . Chẳng hạn , tác giả dân gian đã đưa những chất liệu văn học viết vào ca dao ( những nhân vật trong Truyện Kiều , Lục Vân Tiên ...)

Mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn học cũng như vai trò, ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học thể hiện trọn vẹn hơn cả ở lĩnh vực sáng tác và ở bộ phận thơ văn quốc âm. Có thể nói, mảng truyện thơ Nôm khuyết danh là sự gặp gỡ của hai bộ phận văn học dân tộc.

Như vậy, trong quá trình phát triển, hai bộ phận văn học dân gian và văn học viết luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Văn học dân gian là nền tảng cho văn học viết tiếp thu. Trái lại, văn học viết có tác động trở lại làm văn học dân gian thêm phong phú, đa dạng.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về So sánh văn học dân gian và văn học viết (Đầy đủ) file Word, pdf hoàn toàn miễn phí!

Nguyễn Xuân Kính
Văn hóa dân gian26 Tháng 10 2020Lượt xem: 1660

Văn học dân gian giai đoạn từ cuối thế kỉ XIX đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945


Trong giai đoạn văn học dân gian từ cuối thế kỉ XIX đến Cách mạngTháng Tám năm 1945, trong thành phần chủ thể sáng tạo ở người Việt, nông dân vẫn đông nhất, số nhà nho giảm dần, công nhân là lực lượng mới. Về thể loại, truyền thuyết, truyện cổ tích giảm dần, tục ngữ, ca dao, dân ca, vè là những thể loại chính. Bên cạnh các đề tài thế sự/ đời thường, còn có các đề tài tố cáo tội ác, kêu gọi đấu tranh chống Pháp, Nhật và tay sai. Trong mối quan hệ với văn học viết, văn học dân gian vẫn cho nhiều hơn nhận. Người Pháp có cả việc làm tích cực và tiêu cực đối với folklore ngôn từ các dân tộc thiểu số.

Với hai hiệp ước kí năm 1883, 1884, thực dân Pháp đặt ách đô hộ trên toàn cõi Việt Nam. Cai quản Việt Nam từ lúc này trở đi đến đêm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là chính quyền thực dân nửa phong kiến (xét về hình thức), chính quyền thực dân chuyên chế (xét về thực chất). Thực dân Pháp xâm chiếm thuộc địa nhằm tiêu thụ hàng hóa của chính quốc, tận dụng nguồn tài nguyên phong phú và nhân công rẻ mạt ở thuộc địa. Tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật đối với nhân dân Việt Nam không bao giờ làm cho người Việt Nam yêu nước ngộ nhận về lòng tốt, về sự “khai hóa” văn minh của chúng. Mặt khác, chúng ta cũng thừa nhận một thực tế là khi nước Pháp bước vào con đường đế quốc chủ nghĩa cũng là lúc nhân dân Pháp đã đạt được nhiều kì tích lớn lao về mặt văn minh và văn hóa. Bởi thế, trong chế độ thuộc địa luôn tồn tại hai mặt song song: một mặt là các nhân tố thực dân, và một mặt là các nhân tố tiến bộ của văn hóa Pháp, của nhân loại nói chung. Những tác động tích cực dù nhiều dù ít của các yếu tố đó đối với xã hội Việt Nam đều là những hệ quả tất yếu và khách quan nằm ngoài ý đồ chính của những kẻ thực dân(1). Trong quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa, xét ở từng trường hợp cụ thể, có dân tộc đem cho và có dân tộc tiếp nhận. Trong hai dân tộc này, dân tộc tiếp nhận có vai trò quan trọng, vì người ta chỉ có thể tiếp thu cái của người trên cơ sở cái vốn có của mình(2). Đến mùa thu tháng Tám năm 1945, những người con ưu tú của dân tộc như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng…, những người tiếp thu văn hóa Pháp đến một độ sâu cần thiết, đã lãnh đạo thành công cuộc tổng khởi nghĩa, giành lại độc lập dân tộc.

Trong giai đoạn 1884 - 1945, văn học dân gian Việt Nam là nền folklore ngôn từ đa dân tộc.

*

1. Văn học dân gian người Việt

1.1. Văn học dân gian với những đề tài thế sự

Văn học dân gian người Việt trong giai đoạn 1884 - 1945 nhìn chung ở nông thôn không khác trước nhiều lắm. Điều khác dễ nhận ra là những truyện cổ tích mới, truyền thuyết mới rất ít được sáng tác(3). Các cuộc hát dân ca vẫn theo các lề lối cũ, chẳng hạn trong hát đối đáp nam nữ vẫn có những chặng hát mở đầu, vào cuộc, thử tài, giã biệt. Những bài vè thế sự (có người gọi là vè kể chuyện làng) như một thứ khẩu báo vẫn tiếp tục được sáng tác để ghi lại tức thì, để chế giễu những thói hư tật xấu: lười biếng, trộm cắp, quan hệ nam nữ không chính đáng. Bên cạnh mảng vè thế sự, những tác phẩm vè lịch sử (mà có người gọi là vè kể chuyện nước) xuất hiện khá nhiều.

Nếu một trong những chức năng của văn học là phản ánh hiện thực thì văn học dân gian giai đoạn này cũng làm được điều đó. Câu tục ngữ “Oai oái như phủ Khoái xin cơm” “gợi nhớ lại những năm đói kém có một không hai của nhân dân Khoái Châu (Hưng Yên) do đê Văn Giang vỡ liền trong mười tám năm, đồng ruộng phì nhiêu gần như biến hết thành bãi đất hoang, nhiều làng phải kéo nhau từng đoàn đi ăn mày. Câu “Lụt tràn Quý Tỵ” ghi lại một kỉ niệm khó quên của nhân dân ta về trận lụt khủng khiếp năm 1893 (năm Quý Tỵ)...”(4).

Câu “Bảo Đại làm hại ăn mày” nói về đồng tiền Bảo Đại. Bảo Đại làm vua từ năm 1926 đến tháng 8 năm 1945 và là ông vua cuối cùng của triều Nguyễn. Các đời vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đều có đúc tiền. Bảo Đại cũng được thực dân Pháp cho đúc đồng tiền với bốn chữ “Bảo Đại thông bảo”. Đồng tiền vừa nhỏ vừa mỏng cho nên trên thị trường nó là đơn vị tiền nhỏ nhất. Một đồng tiền Khải Định (Khải Định là niên hiệu của Nguyễn Hoằng Tôn, cha của Bảo Đại) có khi ăn hai đồng, có khi ăn ba đồng Bảo Đại (thường là ba đồng). Vì vậy khi người hành khất được cho một đồng Bảo Đại thì họ không vui bằng được cho một đồng Khải Định. Về giá trị của tiền Khải Định và tiền Bảo Đại còn có những lời ca dao sau phản ánh:

+Hai con đổi lấy một cha

Làm cho thiên hạ xót xa vì tiền.

+Thóc hơn không có người đong

Bán buôn một bố giá đồng ba con(5).

Làng Tam Lễ nay thuộc xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, xưa kia do đất rắn nên rất khó đào giếng. Mãi đến năm Giáp Tý (1924), dân làng mới đào thêm được một giếng nữa. Một bài vè xứ Nghệ đã ra đời nói về sự việc đó:

(...)

Phen này là một

Công đã nên công

Giếng này đào xong

Ta làm vui một bữa

Một mai ra nữa

Trời đại hạn lâu ngày

Giếng Gia Cộc cạn đi

Giếng Mật Ong cạn đi

Giếng ta hãy còn đầy

Ai đến uống giếng này

Ta giả ơn ngày trước(6).

Năm Canh Thìn (1940), làng Nguyễn Xá, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh làm chùa. Bài vè “Làm chùa Nguyễn Xá” cho ta rõ “quan niệm làm chùa, quá trình làm chùa và tâm lí người dân đối với việc làm chùa”:

Trên quan viên hào lão

Dưới chức sắc binh dân

Thần ai cũng chung thần

Phật ai cũng chung Phật

(...)

Tu đâu bằng tu đó

Cúng đâu bằng cúng đây

Bạc ló (lúa) chứa kho đầy

Thiếu thời dân vọng trạng(7).

1.2. Văn học dân gian với những đề tài tố cáo tội ác, kêu gọi đấu tranh chống Pháp, Nhật và tay sai

Trong những bài hát đối đáp, người ta không quên nhắc đến nỗi nhục của những người hàng Tây:

Trèo lên Truông Bụt múa cờ

Tưởng chàng làm nên danh phận

ai ngờ thú Tây(8).

Đây là lời dì Tương (một nữ nghệ nhân hát Giặm nổi tiếng) mỉa mai nghệ nhân Sĩ Đường. Sĩ Đường là một nghệ nhân có tài hát Giặm sống vào cuối thế kỉ XIX. Ông còn nổi tiếng bởi tài cổ động Cần Vương trong thời kì ông tự nguyện làm một nghĩa quân Hương Sơn dưới ngọn cờ của Phan Đình Phùng. Rất tiếc là tiếng thơm này ông không giữ được lâu bền. Lúc phong trào Cần Vương thất bại, ông đã đầu thú. Như vậy, khi nhân dân Nghệ Tĩnh thuộc lòng câu hát trên và còn truyền lại cho con cháu nghe thì danh tiếng của nghệ nhân Sĩ Đường không còn vẻ vang nữa.

Trong nhiều lời ca dao được sáng tác và lưu truyền trong xã hội truyền thống, con cò là một hình ảnh quen thuộc. Đến khi Pháp sang, nó cũng trở thành một nạn nhân:

Con cò mà đậu cành tre

Thằng Tây bắn súng cò què một chân

Hôm sau ra chợ Đồng Xuân

Chú khách mới hỏi: Sao chân cò què?

Cò rằng: Cò đứng bụi tre

Thằng Tây bắn súng cò què một chân...(9)

Trong chợ Đồng Xuân, hình ảnh viên cảnh sát thời Pháp (phú lít) cũng đã có mặt. Trong bài vè “Chợ Đồng Xuân”, tác giả dân gian liệt kê rất nhiều quầy hàng, cho biết có rất nhiều kẻ mua người bán, trong đó có chú khách bán bánh bò, có ông thầy xem tướng tay, có anh bán thuốc dạo, có cả viên cảnh sát:

Lại còn kẻ cắp như rươi

Hở cơ chốc lát, tiền ôi mất rồi.

Giậm chân xuống đất kêu trời

Phú lít có đến cũng thôi đi đời(10).

Câu hát đố trong bài ca giao duyên xưa kia, vui nhộn là thế:

- Hỡi chàng học sách Kinh Thi

Hai ngang, hai phết chữ chi rứa chàng?

- Hai ngang hai phết chữthiên

Cho anh chấm chút cho liền chữphu”(11).

Mà nay cũng lây sầu, lây thảm:

- Hai ngang ba phết kết lại chữ chi

Chàng mà đối được thiếp thì theo không.

-Hai ngang ba phết kết lại chữthất

Thất là mất: mất nước, mất nhà

Dân sầu, dân thảm tự Tây qua lại giờ(12).

Đây là câu hò Huế chất chứa buồn đau, căm giận:

Ngó xuống sông Hương, nước xanh

như tàu lá

Ngó về Đập Đá, phố xá nghênh ngang

Từ ngày Tây lại, sứ sang

Cầu Trường Tiền đổi bến, chợ Đình Ngang

thay đình(13).

Các nhà nho đã sáng tác những bài vè dài mà sau này chúng ta gọi là vè lịch sử hoặc vè kể chuyện nước: “Vè thất thủ kinh đô”, “Vè thất thủ Thuận An”, “Ba thôn Nộn Liễu, hưởng ứng Cần Vương”, “Vè Ba Đình chống Pháp”, “Bài ca chuyện đền Ngọc Sơn năm Bính Ngọ (1906)”, “Vè Đông Kinh nghĩa thục”, “Bài ca vụ Hà thành đầu độc”... Ở những tác phẩm này, có sự kết hợp giữa lòng căm thù giặc và sự phê phán thái độ đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn. Do không giành được thắng lợi cuối cùng, các cuộc bạo động, các cuộc đấu tranh đều bị đàn áp và thất bại, ở những tác phẩm này không có âm hưởng anh hùng, ở một số bài còn có nỗi buồn bi phẫn. Dù sao, những sáng tác của các nhà nho cũng góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, đã trở thành “một hiện tượng có nhiều ý nghĩa đến nỗi chính người Pháp cũng không thể làm ngơ mà không nhắc đến”(14). Trong cuốn sáchNhững bài hát và những truyền thống dân gian của người An Namcủa Đuymuchiê, học giả này đã viết về dân ta với một thái độ hỗn xược: “Đám bình dân An Nam, bọn bồi bếp của chúng ta (tức bọn thực dân Pháp - N.X.K), bọn culi, bất luận lúc nào, ngoài đường phố và ngay cả trước mặt chúng ta, khi chúng tin chắc là chúng ta không hiểu được (tiếng Việt - N.X.K), thường hay hát thành tiếng hoặc lẩm bẩm những khúc hát trong đó người Pháp bị bêu riếu hay ít nhất cũng trở thành lố bịch... Song bên cạnh thứ văn chương thô lỗ (!) đó, chúng tôi đã chú ý đến một số tác phẩm khác có giá trị hơn, đó là những bài thơ thực sự, trong đó đúng là người Pháp không còn được kiêng nể gì nữa cả. Nhưng những bài thơ đó khơi gợi lên trong người An Nam một tình cảm yêu nước mà chúng ta không thể làm ngơ, vì tình cảm yêu nước đó đã bị bọn nhà nho lợi dụng để chống lại chúng ta... Những bài thơ đó là tác phẩm của bọn nhà nho, kẻ thù của chúng ta...”(15).

Đúng là thực dân Pháp làm sao có thể “làm ngơ” trước những lời ca dao sau:

+ Từ ngày có mặt thằng Tây

Phu phen tạp dịch hàng ngày

khốn thân.

+ Ai đi Uông Bí, Vàng Danh

Má hồng để lại, má xanh mang về.

+ Đừng tham đồng bạc con cò

Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang sa.

+ Bán thân đổi mấy đồng xu

Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng.

Phủ Quỳ thuộc tỉnh Nghệ An, có đồn điền Tây Hiếu và Đông Hiếu. Nhiều người đi phu phải bỏ xác ở đây vì thiếu ăn, thiếu mặc và làm việc quá vất vả:

Phủ Quỳ đi có về không

Mồ xanh vợ để tang chồng là đây.

Thể loại tục ngữ được mệnh danh là “túi khôn dân gian”. Câu tục ngữ sau chỉ ra bốn tên công sứ Pháp nổi tiếng gian ác là Ecbert, Darles, Dalamarre, Bride: “Nhất Ếch, nhì Da, tam La, tứ Bích”(16).

Các bài vè ghi lại việc thực dân Pháp bắt dân ta đi lính làm bia đỡ đạn cho chúng ở chiến trường châu Âu, phơi bày những địa ngục trần gian ở các nhà tù, kể lại việc giặc Pháp đốt hai thôn Phú, Thọ. Đây là hai thôn thuộc tổng Phù Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Vì một tên lính tập tai quái bị nhân dân giết mà chúng kéo về đốt sạch, cướp sạch và giết hại không ít người:

Giời ơi có xiết

Tình cảnh hai thôn

Như chết chưa chôn

Làm sao cho sống nữa(17).

Năm 1941, phát xít Nhật đưa quân vào Đông Dương. Chúng “muốn nhân cơ hội Pháp bại trận đoạt lấy một bộ phận thuộc địa thuộc loại giàu có nhất của Pháp, chiếm những nguồn của cải, nguyên liệu dồi dào để cung cấp cho chiến tranh, dùng Đông Dương làm căn cứ quân sự, tiến công miền Nam Trung Quốc, và làm bàn đạp để mở rộng xâm lược ra khắp vùng Đông Nam Á”(18). Biết thân phận mình, đế quốc Pháp cam chịu làm đầy tớ cho Nhật trên bán đảo Đông Dương. Người dân Việt Nam lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”. Phát xít Nhật lừa phỉnh, mị dân, ra sức tạo nên một phong trào thân Nhật, phục Nhật, sợ Nhật. Một số người xu thời đua nhau học tiếng Nhật. Trong một bài vè Nghệ Tĩnh, tác giả dân gian đã chế giễu những người xu thời đó:

Tiếng Tây em biết nói

Tiếng Nhật đã tòm tèm

Ngoài mặc ai pha gièm

Bác nói chi không sợ

Chú nói gì chẳng sợ(19).

Phát xít Nhật cũng tàn ác không kém thực dân Pháp. Chúng chiếm đất đai, bắt dân ta phá bỏ đồng lúa để trồng đay, dẫn đến nạn đói khủng khiếp năm 1945:

Chém cha lũ Nhật côn đồ

Bắt người cướp của, tha hồ thẳng tay

Dân ta trăm đắng ngàn cay,

Thóc ăn chẳng có trồng đay cho người.

Không chỉ tố cáo tội ác của quân xâm lược, nhân dân ta còn lưu truyền những bài vè kêu gọi, động viên, khuyên nhủ, tuyên truyền cách mạng: “Bài ca phục quốc”, “Vè con dao”, “Xin đúc một chữ đồng”, “Vùng dậy thanh niên”, “Cổ động học sinh, thanh niên”, “Cổ động công nhân”, “Theo gương Nga Xô cùng nổi dậy”, “Vè đánh Tây đuổi Nhật”...(20)

Khi cao trào cách mạng tại tỉnh Quảng Ngãi lên mạnh, thực dân Pháp và bọn quan lại Nam triều ra sức khủng bố, đàn áp nhân dân. Tuần phủ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác còn đặt ra một bài vè đầy tư tưởng chống cộng. Dựa vào nguyên văn bài của chúng, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Ngãi sáng tác một bài vè chống lại. Bài vè này có tính chất quần chúng được nhiều tác giả sửa chữa, góp thêm vào. Tuần phủ Quảng Ngãi biết việc này, lập tức rút ngay bài vè do hắn đặt ra và cấm hát cả hai bài.

1.3. Văn học dân gian công nhân

Trong giai đoạn này, có một lực lượng mới tham gia sáng tác và lưu truyền văn học dân gian, tạo thành văn học dân gian công nhân.Lúc đầu, có khi chưa tìm ra một hình thức mới để diễn tả một nội dung mới, giai cấp công nhân đã sử dụng ngay những sáng tác văn học dân gian sẵn có trong kho tàng văn học dân gian nông thôn và sửa chữa đôi chút cho phù hợp với điều cần diễn đạt(21). Chẳng hạn, đây là lời ca dao có sẵn của nông dân:

Thương chàng nấu cháo le le

Nấu canh hoa lí, nấu chè hạt sen(22).

Còn đây là ca dao công nhân:

Thương chồng nấu cháo đường xe,

Nấu canh lắc lít nấu chè bù loong(23).

“Về cái mới trong nội dung văn học dân gian công nhân, có thể nói đến sự giảm sút đi rõ rệt một số đề tài phổ biến trong văn học dân gian nông dân như đề tài thiên nhiên, đề tài tình yêu nam nữ, đề tài sinh hoạt gia đình... Trong văn học dân gian công nhân ta thấy nổi bật lên hình ảnh những con người sống một cuộc sống cay cực, tối tăm, đầy bất trắc. Đề tài lao động trong văn học dân gian công nhân không thấy có trường hợp nào được lí tưởng hóa như trong văn học dân gian nông dân”(24).

1.4. Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết

Trên cơ sở cốt truyện dân gian được ghi lại trong sáchLĩnh Nam chích quái,nhà văn Nguyễn Trọng Thuật (1883 - 1940) sáng tác tiểu thuyếtQuả dưa đỏ(1925) với những hư cấu mạnh dạn. Nếu trong truyện dân gian, Mai An Tiêm chỉ là một người ngày càng kiêu căng ngạo mạn thì trong tiểu thuyết này, chàng là nạn nhân của sự vu oan giá họa của bọn gian thần. Ca ngợi sự cần cù lao động, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, thử thách,Quả dưa đỏphản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc(25).

Các nhà thơ như Tản Đà (1889 - 1939), Trần Tuấn Khải (1895 - 1983) hiểu rõ các tiêu chí về nghệ thuật của một tác phẩm ca dao khi sáng tác những bài phong dao, phong thi. Ở những bài này, họ không đặt tên bài, sáng tác theo thể lục bát và độ dài từ bốn dòng đến sáu dòng thơ. Thí dụ, đây là một bài của Tản Đà:

Đêm qua mất cắp như chơi

Có chỗ mất vợ, có nơi mất chồng

Ông tơ luống những thẹn thùng

Còn toan chắp mối tơ hồng xe ai?(26)

Đây là một bài của Trần Tuấn Khải:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầu sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao?(27)

Nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sáng tác hàng chục bài từng được coi như thuộc kho tàng ca dao xứ Huế. Đây là một bài:

Nước chảy xuôi, con cá buôi lội ngược

Nước chảy ngược, con cá vược lội ngang

Thuyền em xuống bến Thuận An

Thuyền anh lại trẩy lên ngàn, anh ôi!(28)

Với những vần thơ duyên dáng như ca dao, Nguyễn Bính (1918 - 1966) được mệnh danh là “thi sĩ của đồng quê” (Hà Minh Đức). Bàng Bá Lân (1912 - 1988) có hai dòng thơ mà đến giai đoạn sau bị/ được nhận lầm là ca dao:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

2. Văn học dân gian các dân tộc thiểu số trongnhận thức và dưới sự tác động của người Pháp

Các tác giả người Pháp quan tâm đến văn học dân gian Việt Nam nói chung, văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói riêng là cha cố, giám mục, võ quan, quan cai trị, học giả... Nhìn chung, thái độ của họ là kì thị. Khi nghiên cứu phong tục tập quán các dân tộc ở Đắc Lắc, Metơrơ (Maitre) khẳng định: “Người Mơ Nông và người Bih không hề biết hát”(29). Becna (Bernard) cũng có nhận xét tương tự về người Ê Đê: “Vốn dân ca của người Rađê không có gì”(30). Thực tế dân ca của các cộng đồng này đã bác bỏ những nhận xét trên.

So với các nhà nho Việt Nam, các tác giả người Pháp đã viết nhiều hơn và rất bài bản về văn hóa vật chất và tinh thần Việt Nam, trong đó, số công trình viết về văn học dân gian, văn hóa dân gian chiếm một tỉ lệ lớn. Có những lĩnh vực nhà nho không quan tâm sưu tầm, nghiên cứu như sử thi, luật tục thì người Pháp đã chú ý. Đề cập đến vấn đề này, không thể không nhắc đến Lêôpôn Sabachiê (Léopold Sabatier).

L. Sabachiê sinh năm 1877; đã ở Kon Tum ba năm trước khi được cử làm đại biện (délégue) ở Đắc Lắc năm 1913. Lúc này Đắc Lắc là một huyện tự trị của tỉnh mới Kon Tum. Năm 1923, khi Đắc Lắc được nâng lên thành một tỉnh, L. Sabachiê làm công sứ (tỉnh trưởng). Sabachiê là một người trong giới thực dân; song ông ta có quan điểm khác. Trong khi đại đa số quan chức thực dân miệt thị người Kinh (Việt) và các dân tộc thiểu số thì Sabachiê đã phát hiện ra nền văn hóa đa dạng và giàu có của người Ê Đê ở Đắc Lắc. Sabachiê theo quan điểm khai minh của các nhà quân sự và một số quan chức trong bộ máy hành chính thực dân. Theo quan điểm này, Tây Nguyên nói chung và Đắc Lắc nói riêng cần được phát triển thành một vùng thân thiện với người Pháp, người Pháp sẽ bảo vệ dân cư bản địa, tôn trọng văn hóa của họ và giúp họ phát triển từ từ. Người Tây Nguyên sẽ dần dần bỏ tập tục luân canh bằng cách làm quen dần với việc sở hữu một số đất đai hạn chế. Đối lập với quan điểm khai minh là quan điểm phát triển kinh tế tư bản ở Tây Nguyên. Theo quan điểm này, thực dân hóa kinh tế Tây Nguyên sẽ có lợi hơn cả đối với người dân Tây Nguyên khi Pháp lập các đồn điền cao su, người thiểu số sẽ bỏ lối sống luân canh lạc hậu và có hại, bắt đầu làm việc trong các đồn điền(31).

Sabachiê cố gắng giữ không cho những người buôn bán người Việt, người Hoa và cả những cố đạo và thương gia người Pháp vào Đắc Lắc nhằm bảo vệ cái “tâm tính nguyên thủy” (từ dùng của nhà dân tộc học Lucien Levy - Bruhl). Tự đặt mình ngang hàng với tổ tiên người Ê Đê, tự cho mình là người hiểu biết về lịch sử người Ê Đê và người Mơ Nông, có sứ mệnh bảo vệ văn hóa của họ, Sabachiê đã làm việc rất nhiều với người Ê Đê ở Đắc Lắc. Theo nhận xét của nhà văn Rôlăng Đoócgiơlét (Roland Dorgelès), người đã đến Buôn Ma Thuột vào năm 1923, Sabachiê coi người Ê Đê như những đứa trẻ lớn mà ông, với tư cách là người cha nghiêm khắc, sẽ phải nuôi dậy bằng sự chỉ bảo và cả sự trách mắng(32).

Sabachiê gặp phải nhiều sự chỉ trích và chống đối từ phía nhiều người Pháp. Họ tố cáo rằng ông lạm quyền, rằng ông chống lại chủ trương lập đồn điền ở Đắc Lắc, rằng ông đã phá đường để ngăn cản họ vào Đắc Lắc. Những người Ê Đê thân cận với ông cũng than phiền về số lượng dân công quá nhiều mà ông đòi hỏi để thực hiện các dự án, về việc trường học đã thu hút hết số trẻ con của họ, về thói quen ăn nằm với các thiếu nữ Ê Đê, về phong cách gia trưởng của ông. Trong tình trạng căng thẳng và mệt mỏi, năm 1926, Sabachiê buộc phải viết đơn xin từ chức. Ông lập tức rời khỏi Tây Nguyên cùng con gái, kết quả của hai dòng máu Pháp và Gia Rai. Và từ đó, Sabachiê bị cấm trở lại Đắc Lắc(33). Khoảng năm 1976, con gái Sabachiê có về Buôn Đôn tìm mẹ đẻ nhưng cô không gặp người nào biết hoặc nếu có biết cũng không nói cho. Lúc đó tình hình Tây Nguyên phức tạp, mọi người ngại tiếp xúc với người nước ngoài. Năm 2003, Phan Đăng Nhật về huyện Buôn Đôn, được bà con cho biết mộ của người vợ Sabachiê vẫn còn ở địa phương(34).

Từ năm 1913, Sabachiê đã biết đến luật tục Ê Đê. Ông tiến hành ghi chép các lời nói vần này, dịch và sắp xếp lại theo mô hình các bản hương ước của người Việt. Công việc này hoàn thành vào năm 1919. Theo Phan Đăng Nhật, công trình này được in ở Hà Nội lần đầu năm 1927(35). Nhưng chính quyền thực dân đã mua tất cả. “Bằng quyết định tịch thu không chính thức này, các bản in đã không được lưu hành và do vậy không gây hại gì cho các lợi ích thực dân đang thịnh hành vào năm 1927 (trước khi Sabachiê được chính thức phục hồi vào những năm 30)”(36).

Sau khi Sabachiê qua đời (1936), cuốn sách về luật tục của ông được xuất bản (1940). Trong sách này, có sự pha trộn phần theo đúng truyền thống của người Ê Đê với phần sửa đổi, đặt thêm theo ý đồ chính trị của tác giả. Sabachiê đã cùng các cộng sự sửa lại luật tục cho phù hợp với yêu cầu quản lí hành chính và vệ sinh; còn ngôn ngữ thì giữ tính cổ xưa của nó. Theo Giắc Đuốcnơ (Jacques Dournes) “nhà nhân học chân trần”(37), luật tục do Sabachiê biên soạn “đã tước đi của phụ nữ trong một chế độ Ê Đê mẫu hệ rất nhiều quyền lợi bằng việc đã lờ đi vai trò của họ trong các nghi lễ và các hoạt động xã hội khác”(38). Năm 1972, Đinh Gia Khánh chỉ rõ Sabachiê đã đặt thêm mục “Tiếp người lạ và tù nhân vượt ngục” như sau: “Kẻ nào cho người lạ ở trong nhà, kẻ nào giấu tù nhân vượt ngục là phạm tội. Kẻ nào đem thức ăn cho tù nhân vượt ngục lẩn trốn trong rừng, ngoài ruộng thì kẻ ấy có tội”(39).

Dù sao thì Sabachiê vẫn là người mở đầu cho việc thu thập, biên soạn và ứng dụng luật tục vào trong đời sống. Tiếp nối Sabachiê, từ năm 1951 đến năm 1963, nhiều luật tục của các dân tộc thiểu số khác được các tác giả nước ngoài thu thập và công bố(40).

Về sử thi, tác phẩmĐăm Xănđược Sabachiê sưu tầm, chú thích, dịch từ tiếng Ê Đê ra tiếng Pháp. Năm 1927 bản dịch này được xuất bản ở Pari. Năm 1933, bản dịch này có in kèm tiếng Ê Đê được công bố ở Hà Nội. Theo Phan Đăng Nhật, đây là một công trình công phu, kĩ lưỡng ít thấy(41). Về hạn chế, Sabachiê tự ý bỏ đi một số trận đánh mà ông cho là trùng lặp. Sabachiê đưaĐăm Xănvào trường tiểu học, yêu cầu học sinh hằng ngày đọc thuộc một đoạn. Không những vậy, ông còn soạn tác phẩm này thành kịch và tổ chức biểu diễn, ông đóng vai Đăm Xăn, còn cô gái Gia Rai tên là Sao Nhuôn đóng vai Hơ Nhí(42).

Qua các công trình của người Pháp, người Việt tiếp thu được tư tưởng và phương pháp làm việc khoa học(43). Tất cả những ghi chép, sưu tầm, nghiên cứu của họ về văn hóa, văn nghệ dân gian là những tư liệu cần thiết, quý hiếm đối với việc tìm hiểu lịch sử văn học dân gian, văn hóa dân gian. Thực tế văn hóa Việt Nam và lương tri của người cầm bút đã giúp cho không ít trường hợp họ đánh giá đúng văn hóa, văn học dân gian nước ta. Việc làm của các tác giả người Pháp, cụ thể là qua trường hợp của Sabachiê, có cả tác động tích cực và tiêu cực đối với văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói chung, đối với sử thi và luật tục nói riêng.

Kết luận

Trong giai đoạn Pháp thuộc, chống Pháp thuộc và tiếp thu văn hóa phương Tây, trong thành phần chủ thể sáng tạo, nông dân vẫn đông nhất; số nhà nho giảm dần; số trí thức tân học ngày càng đông đảo; công nhân là lực lượng sáng tác mới. Về thể loại, truyền thuyết, truyện cổ tích giảm dần, tục ngữ, ca dao - dân ca, vè là những thể loại chính. Trong mối quan hệ với văn học viết, văn học dân gian vẫn cho nhiều hơn nhận. Người Pháp có cả việc làm tích cực và tiêu cực đối với folklore ngôn từ các dân tộc thiểu số. Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Can Mộng có công truyền bá văn học dân gian tái sinh(44).

Nguyễn Xuân Kính

Chú thích:

(1). Vũ Huy Phúc (1996),Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam 1858 - 1945, Nxb. Khoa học xã hội, H, tr.242-243.

(3). Các tác giả người Pháp đã sưu tầm, ghi chép truyện cổ tích “Tấm Cám”. Truyện này được A. Lăngđơ (A. Landes), quan cai trị, sưu tầm ở Nghệ An và công bố ở Sài Gòn năm 1886; được G. Jaanneau sưu tầm ở Mỹ Tho và công bố năm 1886.

(4). Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972),Văn học dân gian, tập 1, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, H, tr.317.

(5). Đỗ Văn Ninh (1992),Tiền cổ Việt Nam,Nxb. Khoa học xã hội, H, tr.289.

(6). Vũ Tố Hảo (2006),Tổng tập văn học dân gian người Việt,tập 13: Vè sinh hoạt, Nxb. Khoa học xã hội, H, tr.432-433.

(7). Vũ Tố Hảo (2006), sđd, tập 13, tr.426-427.

(8). Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao (1962),Hát giặm Nghệ Tĩnh,tập 1, quyển thượng, Nxb. Khoa học, H, tr.193-196.

(9). Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật chủ biên (2001),Kho tàng ca dao người Việt,tập 1, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H, tr.647.

(10). Vũ Tố Hảo (2006), sđd, tập 13, tr.248.

(11). Chữ “thiên” viết theo lối Hán tự: 天? , chữ “phu” được viết 夫?.

(12). Đỗ Bình Trị (1991),Văn học dân gian Việt Nam, tập 1, Nxb. Giáo dục, H, tr.172. Dị bản của dòng cuối đoạn trích: “Dân sầu, dân thảm tự Tâyquađếngiờ”.

(13). Đỗ Bình Trị (1991), sđd, tr.173. Sứ: viên công sứ Pháp, người thay mặt thực dân đứng đầu một tỉnh.

(14). Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972), sđd, tr.314.

(15). Dẫn theo Chu Xuân Diên, trong sách: Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972), sđd, tr.314.

(16). Nguyễn Xuân Kính chủ biên (2002),Kho tàng tục ngữ người Việt,tập 2, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H, tr. 2057.

(17). Vũ Tố Hảo (2006),Tổng tập văn học dân gian người Việt,tập 14: Vè chống phong kiến, đế quốc, Nxb. Khoa học xã hội, H, tr.362.

(18) Nguyễn Khánh Toàn chủ biên (1985),Lịch sử Việt Nam, tập 2: 1858 - 1945,Nxb. Khoa học xã hội, H, tr.311.

(19). Vũ Tố Hảo (2006), sđd, tập 13, tr.667.

(20). Những bài vè này được in ở: Vũ Tố Hảo (2006), sđd, tập 14.

(21). Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972), sđd, tr.328-329.

(22). Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật chủ biên (2001), sđd, tập 2, tr.2232.

(23). Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật chủ biên (2001), sđd, tập 2, tr.2232.

(24). Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972), sđd, tr.329.

(25). Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên (2004),Từ điển văn học,Nxb. Thế giới, H, tr.1469.

(26). Nông Sơn Nguyễn Can Mộng (2004),Nông Sơn toàn tập,Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.916. Nông Sơn Nguyễn Can Mộng đánh giá đây là “ca dao bất hủ!” (sđd, tr.916).

(27). Xuân Diệu, Lữ Huy Nguyên (1984),Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải,Nxb. Văn học, H, tr.152.

(28). Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1954),Bán buồn mua vui,Nhà in Khánh Quỳnh, Huế, tr.59.

Cá buôi là loại cá ngon, giống cá đối nhưng to hơn cá đối. Cá đối là cá nước lợ, đầu rộng và bằng, thân tròn dài. Cá vược là loại cá dữ, sống ở biển hay cửa sông, đầu nhọn, miệng to, vây có nhiều gai cứng - N.X.K.

(29). Võ Quang Nhơn (1983),Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam,Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, tr.49.

(30). Võ Quang Nhơn (1983), sđd, tr.49.

(31). Oscar Salemink (2000), “Luật tục, quyền sở hữu đất và vấn đề di cư”, trong: Ngô Đức Thịnh, Phan Đăng Nhật đồng chủ biên,Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam,Nxb. Chính trị quốc gia, H, tr.829-834.

Tr.829: từ “délégue” các sách khác dịch là“đại biện”, ở đây dịch/in sai là “đại diện”. Tr. 833 cho rằng Patxkiê (Pasquier) làm toàn quyền Đông Dương năm 1923 là không chính xác. Ông này làm quyền toàn quyền 1926 - 1927, toàn quyền 1928 - 1934.

(32). Oscar Salemink (2000), bđd, tr.831.

(33). + Oscar Salemink (2000), bđd, tr.839. Một tài liệu khác cho biết, từ năm 1928 Sabachiê trở lại Đắc Lắc và đến năm 1931 mới rời bỏ hẳn Đông Dương - N.X.K.

+ Phan Đăng Nhật (2009), “Đi tìm người vợ Tây Nguyên của Sabatier”, trong cuốn sách của cùng tác giảVăn hóa các dân tộc thiểu số những giá trị đặc sắc,Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.570. Đọc sách này, tr. 589, tôi băn khoăn về tính chính xác về thời gian Sabachiê làm đại biện và làm công sứ - N.X.K.

(34). Phan Đăng Nhật (2009), “Đi tìm người vợ Tây Nguyên của Sabatier”, bđd, tr.571.

(35). Phan Đăng Nhật (2009), “Tìm hiểu luật tục Gia Rai”, trong cuốn sách đã dẫnVăn hóa các dân tộc thiểu số những giá trị đặc sắc,tr.589 và 591.

(36). Oscar Salemink (2000), bđd, tr.840.

(37). Andrew Hardy (2014),Nhà nhân học chân trần: Nghe và đọc Jacques Dournes,Nxb. Tri thức, H.

(38). Oscar Salemink (2000), bđd, tr.845.

(39). Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972),Văn học dân gian, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, H, tr.113.

Về năm xuất bản lần hai sách luật tục của Sabachiê, Phan Đăng Nhật và Đinh Gia Khánh ghi khác nhau mấy năm (1940, 1943).

(40). Phan Đăng Nhật (2009), “Tìm hiểu luật tục Gia Rai”,bđd, tr.592.

(41). Phan Đăng Nhật (1998), “Nhìn lại quá trình sưu tầm, nghiên cứu sử thi Tây Nguyên trong bối cảnh sử thi Việt Nam”, trong sách: Nhiều tác giả,Sử thi Tây Nguyên,Nxb. Khoa học xã hội, H, tr.65.

+ Phan Đăng Nhật (1998), “Nhìn lại quá trình sưu tầm, nghiên cứu sử thi Tây Nguyên trong bối cảnh sử thi Việt Nam”, bđd.

+ Phan Đăng Nhật (2009), “Đi tìm người vợ Tây Nguyên của Sabatier”, bđd.

Bài “Huyền thoại về Công sứ Sabatier sưu tầm khan Ê Đê ở Buôn Ma Thuột” (trên Tạp chíNguồn sáng dân gian,năm 2020, số 1) có nhiều thông tin không chính xác. Thí dụ: Các tài liệu đều cho biết Sabatier mất năm 1936. Vậy mà bài này viết “năm 1937, ông trở lại tiếp tục làm Công sứ Buôn Ma Thuật” (bđd, tr.70); năm 1943 Sabatier rời Tây Nguyên về Pháp (bđd, tr.72); Sabatier mất ở Pháp vào cuối năm 1947 (bđd, tr.73); năm 1997, Giáo sư Condominas không hề có mặt ở Hội thảo khoa học “Sử thi Tây Nguyên - Việt Nam” tổ chức tại Buôn Ma Thuột, vậy mà ông Trương Bi viết “may mắn được gặp Giáo sư Condominas” tại Hội thảo vừa nêu (bđd, tr.72). Bài viết của Trương Bi chỉ khẳng định một chiều, không thấy hạn chế, sai lầm của Sabatier như chúng tôi đã trình bày - N.X.K.

(43). Năm 1948, trongChủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam,tác giả Trường Chinh nhận xét, trong lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian “ta đã tập được phần nào tư tưởng và phương pháp làm việc khoa học” (Dẫn theo Đỗ Bình Trị (1991),Văn học dân gian Việt Nam, tập 1, tr.76). Căn cứ vào vị thế lãnh đạo của tác giả và thời điểm phát biểu (lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang gay go, quyết liệt), hiện nay (năm 2019), chúng ta có thể hiểu ảnh hưởng của phương pháp làm việc khoa học đó làđáng kể, ở trên mứcphần nào.

Xem thêm: " Giải Mã Con Số Tình Yêu 520, 530, 5630, 1314,, Ý Nghĩa Các Con Số Trong Tiếng Trung Quốc Là Gì

(44). Có ba khái niệm:Văn học dân gian nguyên sinhlà văn học dân gian truyền thống mà cho đến hôm nay vẫn đang được lưu truyền trong dân chúng, chưa chịu ảnh hưởng bởi các ghi chép của các trí thức,văn học dân gian tái sinhlà những tác phẩm được Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi,… sưu tầm, ghi chép, biên soạn,văn học dân gian tân sinhchính là văn học dân gian đương đại.